Kế hoạch Thực hiện định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Ngày đăng: 24/11/2021 10:28
I. MỤC ĐÍCH VÀ ĐỊNH HƯỚNG KIẾN TRÚC CHỦ ĐẠO
1. Mục đích:
- Cụ thể hóa định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19/7/2021, phù hợp với điều kiện tỉnh Đắk Lắk.
- Làm cơ sở huy động sự tham gia của cộng đồng, xã hội trong bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa dân tộc trong kiến trúc vùng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; tiếp thu có chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới trong xu thế hội nhập, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế xã hội địa phương.
2. Định hướng kiến trúc chủ đạo:
Khai thác kiến trúc đặc trưng vùng Tây nguyên với đường nét kiến trúc nhà dài Ê đê làm kiến trúc chủ đạo. Phát huy cảnh quan địa hình, không gian xanh làm căn bản trong phát triển cảnh quan kiến trúc đô thị, điểm dân cư nông thôn.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát:
Phát triển kiến trúc theo hướng hiện đại, bền vững, giàu bản sắc đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa trên cơ sở các tiêu chí “đô thị xanh” trong xây dựng và phát triển đô thị, điểm dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
2. Mục tiêu cụ thể:
- Hoàn thành việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh về quản lý, phát triển kiến trúc, quy hoạch xây dựng trước năm 2022.
- Đến năm 2030, đạt 100% các thành phố, thị xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh được tổ chức lập và ban hành Quy chế quản lý kiến trúc đô thị; 80% điểm dân cư nông thôn tại trung tâm các xã được ban hành Quy chế quản lý kiến trúc.
- Đến năm 2025, hoàn thành việc xây dựng danh mục công trình kiến trúc có giá trị theo khoản 2 Điều 13 Luật Kiến trúc năm 2019. Đến năm 2030, hoàn thành kế hoạch bảo vệ, giữ gìn, tu bổ công trình kiến trúc hoặc không gian buôn làng truyền thống trong đô thị có giá trị bảo tồn theo danh mục được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
- Tuyên tuyền, truyền thông về kiến trúc nhằm nâng cao nhận thức thẩm mỹ kiến trúc của cộng đồng; đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động quy hoạch, kiến trúc. Khuyến khích các tổ chức cá nhân sáng tạo kiến trúc tham gia xây dựng, tư vấn, phản biện hướng đến phát triển kiến trúc tiên tiến, đậm đà bản sắc, văn hóa địa phương, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống.
- Đến năm 2030, hoàn thành xây dựng ít nhất 03 công trình công cộng tiêu biểu về văn hóa, nghệ thuật kiến trúc Tây nguyên, khai thác bản sắc kiến trúc trong tiến trình hội nhập.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KIẾN TRÚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK ĐẾN NĂM 2030
1. Đối với công trình sử dụng công cộng đô thị:
- Các công trình công cộng (trụ sở cơ quan; công trình văn hóa, giáo dục) sử dụng hình thức kiến trúc đặc trưng vùng Tây nguyên trong thiết kế hình thức kiến trúc; cải tạo không gian theo hướng cảnh quan xanh.
- Khuyến khích tổ chức hoạt động thi tuyển phương án kiến trúc các công trình công cộng, công trình tại các vị trí yêu cầu kiến trúc cảnh quan, công trình cầu đường trong trung tâm đô thị; các nút giao thông lớn trong trục chính đô thị và trên các tuyến Quốc lộ.
2. Phát huy giá trị bản sắc truyền thống tại khu dân cư đô thị:
- Quy hoạch và thiết kế đô thị khu dân cư tập trung, khu nhà liên kế phải tạo không gian mở, lối thông hành theo Quy chuẩn Việt Nam; đảm bảo tiêu chuẩn đất cây xanh đơn vị ở; khuyến khích và tăng cường quản lý kiến trúc hợp khối theo thiết kế đô thị và quy chế quản lý kiến trúc đối với các khu dân cư nhà ở liên kế.
- Kiến trúc nhà vườn, nhà ở khu vực ven đô khuyến khích hình thức kiến trúc gắn với không gian xanh, mật độ xây dựng thấp.
3. Phát triển cảnh quan kiến trúc khu vực nông thôn:
- Nghiên cứu điều chỉnh thiết kế điển hình các công trình công cộng (nhà văn hóa, công trình y tế, giáo dục…) thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới theo hình thức kiến trúc mang bản sắc văn hóa địa phương trên cơ sở định hướng phát triển kiến trúc của Kế hoạch này;
- Khuyến khích phát triển kiến trúc nhà ở nông thôn phù hợp giai đoạn phát triển, sử dụng vật liệu địa phương, bảo vệ môi trường. Các buôn làng truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ được tôn tạo, gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.
4. Phát huy giá trị bản sắc văn hóa Tây nguyên trong xây dựng cảnh quan kiến trúc:
- Hình thành tuyến phố và không gian nhà vườn ven đô điển hình tại thành phố Buôn Ma Thuột tiêu biểu về cảnh quan kiến trúc, bản sắc văn hóa Tây nguyên, tạo nền tảng cho thiết kế đô thị, phục vụ xây dựng quy chế quản lý và phát triển không gian kiến trúc.
- Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng các tuyến suối điển hình về cảnh quan trong nội thành, tạo không gian sinh thái tự nhiên đặc trưng, liên kết không gian cảnh quan với không gian kiến trúc đô thị. Trong đó, ưu tiên bảo vệ, tôn tạo không gian xanh ven suối vùng nội thành và các buôn truyền thống khu vực đô thị.
IV. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐẾN NĂM 2030
1. Xây dựng và hoàn thiện các quy định, cơ chế chính sách:
- Đến năm 2022, ban hành Quy định về phân cấp, ủy quyền trong tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc, nhằm cụ thể hóa Luật Kiến trúc năm 2019 và các quy định liên quan, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động trong phân công tổ chức thực hiện.
- Xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi cho việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa trong kiến trúc và bảo vệ công trình kiến trúc có giá trị về văn hóa, lịch sử phát triển đô thị, địa phương. Tăng cường vai trò phê bình, phản biện xã hội và giám sát các hoạt động kiến trúc trên địa bàn tỉnh.
2. Bảo tồn và phát huy giá trị công trình, không gian kiến trúc:
- Đến năm 2025, Quy hoạch chi tiết ít nhất 01 buôn làng truyền thống trong khu vực thành phố Buôn Ma Thuột với định hướng bảo tồn văn hóa, kết nối giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trong điều kiện đô thị hóa, lồng ghép các chương trình mục tiêu khác (như phát triển du lịch, bảo tồn văn hóa…), huy động các nguồn lực tham gia.
- Kết hợp thực hiện Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030 theo Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, phát triển, hoàn thiện không gian xanh công cộng theo hướng phát huy giá trị bản sắc văn hóa Tây nguyên trong xây dựng cảnh quan kiến trúc.
3. Khoa học công nghệ và lý luận kiến trúc:
- Thực hiện nhóm giải pháp áp dụng công nghệ thông minh trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị đối với thành phố Buôn Ma Thuột trong khuôn khổ lồng ghép thực hiện Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.
- Nghiên cứu, xây dựng và áp dụng mẫu thiết kế kiến trúc cho các công trình công cộng và nhà ở tại nông thôn phục vụ cho các dự án xây dựng các khu tái định cư mới; Xây dựng hệ thống mẫu nhà ở xã hội liên kế khu vực đô thị, tạo điều kiện để người dân tiếp cận; kiến trúc hiệu quả, tạo mỹ quan đô thị và góp phần hạ giá thành xây dựng.
- Nghiên cứu, khảo sát và đánh giá kiến trúc nhà dài của người Ê đê trong phát huy đường nét kiến trúc đặc trưng là một phần bản sắc văn hóa dân tộc để có những định hướng, quy định cụ thể cho hoạt động kiến trúc của tỉnh.
4. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực:
- Nâng cao chất lượng các hoạt động đào tạo năng lực cho đội ngũ hành nghề kiến trúc xây dựng thông qua công tác cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc, xây dựng.
- Phát huy vai trò của hội nghề nghiệp kiến trúc, xây dựng trong hoạt động bồi dưỡng, hội thảo kiến trúc, tham gia các hoạt động xã hội về kiến trúc xây dựng, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ kiến trúc tại địa phương.
5. Nguồn lực tài chính:
- Huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để phát triển kiến trúc trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên các hoạt động phát triển khoa học công nghệ; lý luận kiến trúc, phát triển nguồn nhân lực;
- Kết hợp nguồn lực tài chính trong quá trình thực hiện các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và các chương trình mục tiêu liên quan đang triển khai như: Phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển đô thị thông minh, bền vững; phát triển đô thị tăng trưởng xanh…;
- Bổ sung danh mục thiết kế đô thị riêng cho một số vị trí đô thị có yêu cầu kiến trúc cảnh quan khi xây dựng kế hoạch lập quy hoạch xây dựng cho từng giai đoạn (trung hạn, hàng năm) nhằm tăng các nguồn lực tài chính để thực hiện theo định hướng của Kế hoạch.
Thanh Tú - SXD